Bảo vệ người tiêu dùng là trách nhiệm của ai?

Vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gần đây được đề cập khá nhiều và được xem là một trong những vấn đề quan trọng trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Bên cạnh cơ hội được lựa chọn hàng hóa và dịch vụ đa dạng thì người tiêu dùng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro từ mặt trái của cơ chế thị trường.

Vậy làm thế nào để bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ người tiêu dùng là trách nghiệm của ai? Trong bài viết sẽ giúp bạn làm rõ nội dung trên.

So với các nước trong khu vực, Việt Nam chúng ta là một trong những quốc gia đầu tiên ban hành văn bản pháp luật nhằm điều chỉnh vấn đề bảo vệ người tiêu dùng: Với Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng (Pháp lệnh số 13/1999/PL-UBTVQH10 ngày 27/04/1999) và luật bảo vệ người tiêu dùng tại kỳ họp thứ VIII, Quốc hội khóa XII đã thông qua nghị quyết ban hành luật bảo vệ người tiêu dùng và có hiệu lực từ ngày 1-7-2011. Tiếp đó, ngày 27-10-2011, chính phủ đã ra nghị định số 99 quy định chi tiết, giới thiệu và hướng dẫn một số điều thực hiện luật bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời khẳng định “bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội” (khoản 1 điều 4). Trên cơ sở đó, luật này cũng quy định về chính sách của Nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng: “tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân chủ động tham gia vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” (khoản 1 điều 5). Đây được xem là văn bản quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi cho người dân, tuy nhiên luật này có đảm bảo được hay không, có thực hiện tốt hay không, cái chính là người tiêu dùng phải hiểu và biết được các quyền lợi và nghĩa vụ của mình.

Để bảo vệ quyền lợi cho chính mình và cho toàn xã hội thì trước hết người mua hàng phải là người tiêu dùng thông thái. Khi mua sản phẩm hàng hóa hay dịch vụ nào bản thân người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ mặt hàng về nguồn gốc, xuất xứ ở đâu, có rõ ràng không?… để không dẫn đến tình cảnh “tiền mất, tật mang” gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của bản thân và mọi người xung quanh. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần tích cực nghiên cứu tìm hiểu pháp luật để biết được quyền lợi trong tiêu dùng của mình để khi có sự cố xảy ra sẽ biết cách tự giải quyết hoặc tìm đến cơ quan nào để giải quyết.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất và đơn vị cung cấp cần nghiêm chỉnh chấp hành và tuân thủ đầy đủ các bước trong quy trình sản xuất, các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm,…tem nhãn, tem chống hàng giả được dán đầy đủ để các sản phẩm luôn đạt chuẩn đầu ra về chất lượng, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết sản phẩm chính hãng, góp phần đẩy lùi hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Như vậy, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội, bảo vệ người tiêu dùng tức là bảo vệ tất cả chúng ta. Vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Đảng, Nhà nước coi là một trong những vấn đề quan trọng trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững của đất nước. Chính vì vậy, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được xây dựng và thực thi hiệu quả sẽ mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho cộng đồng người tiêu dùng – toàn thể nhân dân Việt Nam, mà còn thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất, lưu thông hàng hóa và phát triển chung của nền kinh tế cả nước cũng như bảo đảm tốc độ tăng trưởng luôn đi đôi với chất lượng tăng trưởng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *